Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam năm 2023?

Đăng ngày 17 - 10 - 2022
Lượt xem: 370
100%

 

Đang là thời điểm để Việt Nam chuẩn bị xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Vậy năm tới, kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào?
Sau 2 năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19, kinh tế Việt Nam bắt đầu quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cũ.

Điểm tựa là sự phục hồi của kinh tế năm 2022

Dù có những khác nhau về con số được dự báo, song có một nhận định chung được cả các cơ quan hoạch định chính sách, cũng như các chuyên gia kinh tế và tổ chức quốc tế đưa ra, đó là sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam sau Covid-19.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 được dự báo nhiều nhất là khoảng 7%. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế - xã hội 2022, cũng đưa ra dự báo rằng, tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ đạt khoảng 7%; thậm chí, nếu nỗ lực, còn có thể đạt mức cao hơn.

Như vậy, sau 2 năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19, kinh tế Việt Nam bắt đầu quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cũ và đã vượt mục tiêu kế hoạch đề ra (mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 được Quốc hội quyết nghị là 6-6,5%; Chính phủ phấn đấu đạt 6,5%). Ngoài mục tiêu tăng trưởng kinh tế, còn 13/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác của năm 2022 cũng được dự báo đạt và vượt mục tiêu đề ra. Chỉ duy nhất mục tiêu về tăng năng suất lao động là chưa.

Bên cạnh đánh giá tích cực từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Standard Chartered…, ít ngày trước, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s, sau 4 năm, đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, với triển vọng ổn định.

Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong hiếm hoi 4 quốc gia trên toàn thế giới được Moody’s nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay. Đây là động thái có thể nói là rất tích cực, cho thấy sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về các nỗ lực của Việt Nam.

Với triển vọng tích cực như vậy, sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022 chính là “điểm tựa” để nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi trong năm 2023. Nhiều chuyên gia cũng nhận định, khả năng chống chịu của nền kinh tế là khá tốt tại thời điểm hiện nay, qua đó, tạo đà cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và cả giai đoạn kế hoạch 2021-2025, tạo dư địa chính sách, nhất là về tài khóa để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong trường hợp cần thiết.

Tuy vậy, một cách thận trọng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế Việt Nam vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là khi tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, vượt khỏi khả năng dự báo. “Có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Những thách thức được kể đến là kinh tế Việt Nam vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch, cần tích lũy để phục hồi; là những khó khăn nội tại, cố hữu của nền kinh tế vẫn chậm được cải thiện, năng lực nội tại, tính tự chủ, khả năng chống chịu còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào nguồn đầu vào nhập khẩu, khu vực đầu tư nước ngoài, trong khi năng lực sản xuất của khu vực trong nước chậm cải thiện, trình độ công nghệ chưa cao…

Bà Carolyn Tuk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cũng nhắc đến các rủi ro mà kinh tế Việt Nam phải đối mặt. Chẳng hạn, khó khăn trong hoạt động kinh doanh tiếp tục hiện hữu ở một số ngành và tình trạng thiếu lao động; lạm phát tăng có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của tiêu dùng hộ dân cư, vốn đang phục hồi mạnh mẽ. “Sự giảm tốc trầm trọng hơn so với kỳ vọng của các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam cũng là rủi ro chính”, bà Carolyn nói.

Kịch bản nào cho kinh tế năm 2023?

Trong bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen đó, kinh tế Việt Nam 2023 sẽ như thế nào? Câu trả lời sẽ nằm ở Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2023, mà thông thường, ở vào thời điểm này mọi năm, đã bắt đầu được chuẩn bị xây dựng.

Năm nay cũng vậy. Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ mới đây, cùng với việc đưa ra các nhận định về kinh tế Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những đề xuất đầu tiên về Kế hoạch 2023. Theo đó, một trong những đề xuất quan trọng là xây dựng mục tiêu tăng trưởng GDP của năm 2023. Có tới 3 kịch bản được đề xuất, song phương án mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm tới đang được tính tới.

Đó có thể là con số hợp lý trong bối cảnh hiện nay, bởi thực tế, trên nền tăng trưởng cao (khoảng 7%) của năm 2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 khó có thể đạt được mức như năm ngoái.

Hơn nữa, các dự báo của các tổ chức quốc tế đều cho thấy, kinh tế toàn cầu 2023 đang đối mặt với không ít thách thức. Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới của IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới xuống 3,2% trong năm 2022 và 2,9% trong năm 2023 do xung đột Nga - Ukraine, trong khi Trung Quốc và nhiều nền kinh tế phát triển đang suy giảm. Sự suy giảm này sẽ làm giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là từ các đối tác thương mại quan trọng như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).

Vào tháng 6/2022, WB cũng điều chỉnh giảm tăng trưởng kinh tế thế giới 0,2 điểm % năm 2023, còn 3% so với báo cáo trước đó (tháng 1/2022). Đặc biệt, tại các nền kinh tế phát triển, các dự báo đều cho rằng, tăng trưởng năm 2023 thấp hơn so với năm 2022.

Với Việt Nam cũng tương tự. IMF dù mới đây đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm 2022, cao hơn 1% so với mức dự báo của 3 tháng trước đó, song cũng giảm dự báo tăng trưởng năm 2023 xuống còn 6,7%. ADB và WB cùng đưa ra con số dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 là 6,7%.

Việc kinh tế Việt Nam đi theo kịch bản nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022, khả năng kiểm soát lạm phát, diễn biến xung đột Nga - Ukraine, sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam… Cùng với đó là các nỗ lực thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội…

Tuy vậy, một điều chắc chắn, năm 2023 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm “bản lề” để tạo ra những chuyển biến thực chất trong tận dụng các động lực tăng trưởng mới trong giai đoạn 2021-2025. Do vậy, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng là điều cần thiết.

“Một khi có thể giải quyết những thách thức còn tồn tại liên quan đến thị trường lao động, hiệu quả của mạng lưới an ninh xã hội, những rủi ro về biến đổi khí hậu..., Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng cao và tiếp tục thúc đẩy chính sách phát triển bền vững hướng tới vị thế thu nhập cao hơn”, các chuyên gia của IMF nhận định.

Nguồn: baodautu.vn

Tin liên quan

Tin mới nhất

VCCI tiếp tục chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp(31/10/2023 4:07 CH)

Nghị quyết 41 thúc đẩy DN tạo sức mạnh cộng hưởng(31/10/2023 4:06 CH)

Doanh nghiệp gồng mình với các khoản thuế, tiếp cận vốn rất khó khăn(31/10/2023 3:48 CH)

Ninh Thuận: GRDP 9 tháng đứng thứ 3 tại khu vực miền Trung(31/10/2023 3:43 CH)

Học tập kinh nghiệm quốc tế xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn...(31/10/2023 3:38 CH)

Kết luận của Thường trực Chính phủ về xây dựng luật, nghị quyết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về...(31/10/2023 3:36 CH)

Quy trình thực hiện lựa chọn nhà thầu(31/10/2023 3:27 CH)

Công tác tổ chức đấu thầu(31/10/2023 3:26 CH)

Ninh Thuận đầu tư 273 tỷ đồng tại khu vực được gỡ quy hoạch điện hạt nhân(20/10/2023 2:50 CH)

29 người đang online
°