Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 08 nhóm giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022

Đăng ngày 14 - 10 - 2022
Lượt xem: 135
100%

 

(MPI) – Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình phân bổ, giải ngân vốn ngân sách nhà nước trong 9 tháng đầu năm 2022, các khó khăn, vướng mắc và giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2022 gửi Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, tính đến ngày 30/9/2022, tổng số vốn ngân sách nhà nước các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân là 510.368,625 tỷ đồng, đạt 93,8%, vốn nước ngoài đạt 98,8% kế hoạch.

Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ về giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 124/NQ-CP và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng còn lại của năm 2022, thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần phải nỗ lực và có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.

Một là, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải quán triệt nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quyết liệt triển khai các giải pháp đã đề ra, tập trung đẩy mạnh giải ngân dự án trọng điểm bảo đảm thủ tục pháp lý, hiệu quả, chất lượng.

Nghiên cứu, giao chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công hàng tháng đến từng chủ đầu tư, coi chỉ tiêu giải ngân là cơ sở đề đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm và xem xét giao kế hoạch đầu tư công năm 2023 của các đơn vị.

Chỉ đạo chủ đầu tư lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng, đáp ứng đầy đủ các trình tự, thủ tục thanh toán theo quy định. Rà soát tất cả các dự án thuộc phạm vi quản lý đang gặp vướng mắc để kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh.

Yêu cầu các bộ, địa phương tập trung giải ngân toàn bộ số vốn được giao, không đề xuất điều chỉ giảm kế hoạch năm 2022 vì hiện nay không có đơn vị nào đề nghị bổ sung vốn năm 2022 nên không thể thực hiện điều chỉnh theo quy định của Luật Đầu tư công.

Hai là, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế theo nhiệm vụ được giao, bảo đảm yêu cầu về thời hạn, chất lượng, khả thi theo quy định tại Nghị quyết 124/NQ-CP.

Ba là, thực hiện pháp luật về đầu tư công, đẩy nhanh và nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư các dự án. Kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm.

Tăng cường giám sát của các cơ quan chuyên trách và nâng cao khả năng tham gia cộng đồng vào việc giám sát các dự án đầu tư công. Xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực chất lương cao về quản lý đầu tư công góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Bốn là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư công như thẩm định dự án đầu tư có cấu phần xây dựng, triển khai kiểm soát chi vốn trong nước và đơn rút vốn của các nhà tài trợ bằng chứng từ điện tử, chữ ký số, đơn giản hóa quy trình kiểm soát chi và hồ sơ yêu cầu rút vốn; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công.

Năm là, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trước tháng 11/2022 theo Nghị quyết số 16/NQ-CP; rà soát ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp, sắp xếp thứ tự ưu tiên khởi công mới các dự án trong năm 2023 bảo đảm tính khả thi về thủ tục đầu tư và giải ngân, hoàn thành một số dự án trọng điểm, tạo động lực mới phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương.

Sáu là, yêu cầu 04 cơ quan chủ dự án, nội dung thành phần thuộc 02 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới (các bộ: Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội) khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiến độ, giải pháp hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai một số nội dung, dự án thuộc thẩm quyền được giao.

Bảy là, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là trong việc tham gia ý kiến về các nội dung liên quan đến công tác quản lý vốn đầu tư công (phân bổ, điều chỉnh, giao kế hoạch đầu tư công…). Các ý kiến tham gia bảo đảm yêu cầu về chất lượng, yêu cầu về tiến độ để công tác quản lý kế hoạch đầu tư công được kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tám là, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, nâng cao tính khả thi của các dự án để có thể triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2023, tích cực giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, không để chậm trễ./.

Tin liên quan

Tin mới nhất

VCCI tiếp tục chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp(31/10/2023 4:07 CH)

Nghị quyết 41 thúc đẩy DN tạo sức mạnh cộng hưởng(31/10/2023 4:06 CH)

Doanh nghiệp gồng mình với các khoản thuế, tiếp cận vốn rất khó khăn(31/10/2023 3:48 CH)

Ninh Thuận: GRDP 9 tháng đứng thứ 3 tại khu vực miền Trung(31/10/2023 3:43 CH)

Học tập kinh nghiệm quốc tế xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn...(31/10/2023 3:38 CH)

Kết luận của Thường trực Chính phủ về xây dựng luật, nghị quyết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về...(31/10/2023 3:36 CH)

Quy trình thực hiện lựa chọn nhà thầu(31/10/2023 3:27 CH)

Công tác tổ chức đấu thầu(31/10/2023 3:26 CH)

Ninh Thuận đầu tư 273 tỷ đồng tại khu vực được gỡ quy hoạch điện hạt nhân(20/10/2023 2:50 CH)

5 người đang online
°