Hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số

Đăng ngày 06 - 11 - 2024
Lượt xem: 8
100%

 

Sáng ngày 19/7/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số với các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Dự tại điểm cầu tỉnh Ninh Thuận có đồng chí Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Điều hành chuyển đổi số tỉnh cùng lãnh đạo các Sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.

Toàn cảnh tại điểm cầu tỉnh Ninh Thuận

 

Báo cáo tại Hội nghị nhấn mạnh: Chuyển đổi số đã và đang trở thành yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội trên toàn cầu. Việc áp dụng công nghệ số không chỉ mang lại hiệu quả phát triển kinh tế vượt trội mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, tăng cường quản lý nhà nước và mở ra những cơ hội mới cho sự sáng tạo và đổi mới. 

Từ năm 2020 đến nay, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để hoàn thiện thể chế nhằm đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số ở nước ta. Cụ thể: Quốc hội ban hành 3 luật điều chỉnh tác động trực tiếp tới hoạt động chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số ngành, lĩnh vực; Chính phủ ban hành 2 nghị quyết về đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan tới dữ liệu dân cư, phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia; Chính phủ ban hành 19 nghị định tác động, điều chỉnh trực tiếp các hoạt động chuyển đổi số, thúc đẩy chuyển đổi số; Thủ tướng Chính phủ ban hành 21 quyết định và chỉ thị; các bộ, ngành, địa phương ban hành hàng chục thông tư, văn bản hướng dẫn về chuyển đổi số.

Về giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, đến nay tỷ lệ này cả nước đạt trên 55%. Về các nền tảng, hệ thống phục vụ công tác quản lý, điều hành, tác nghiệp trong cơ quan nhà nước trên môi trường số: Năm 2020, hồ sơ công việc tại cấp bộ được xử lý trên môi trường mạng đạt mức 65,8%, đến nay tỷ lệ này đạt 89,35%; trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước, đến nay 100% hệ thống quản lý văn bản và điều hành của các bộ, ngành, địa phương đã được kết nối thông suốt nhờ triển khai trục liên thông văn bản quốc gia. 

Về kết nối chia sẻ dữ liệu: Năm 2020, tổng số giao dịch kết nối, chia sẻ dữ liệu là 11,5 triệu giao dịch qua nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu quốc gia; tổng giao dịch trong năm 2024 đến nay là 533 triệu. Về phát triển kinh tế số, tỷ trọng kinh tế số trong GDP năm 2021 đạt 11,91%, năm 2022 đạt 14,26%, năm 2023 đạt 16,5%,…

Đối với tỉnh Ninh Thuận, công tác chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đã xây dựng hạ tầng dùng chung với công nghệ điện toán đám mây sử dụng cho toàn tỉnh; hệ thống giám sát an toàn, an ninh mạng (SOC) được triển khai, bảo đảm cho các hệ thống thông tin được bảo vệ theo mô hình 04 lớp, đáp ứng các tiêu chí về an toàn thông tin để kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hạ tầng mạng truyền dẫn cáp quang để cung cấp dịch vụ internet cố định băng rộng và dịch vụ truy nhập internet 3G, 4G được phủ đến 100% số thôn có dân cư; đã triển khai thí điểm phát sóng 5G tại 75 trạm; tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 87,5%; tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang băng rộng cố định đạt 81,7% cao hơn mức trung bình cả nước là 81%, xếp hạng 15 toàn quốc.

Triển khai nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu (LGSP), nền tảng kho dữ liệu dùng chung để kết nối, tích hợp, chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu theo quy định. Hệ thống thông tin kinh tế - xã hội của tỉnh đã đưa vào vận hành và kết nối với Hệ thống báo cáo của Chính phủ; nền tảng Trợ lý ảo được triển khai thí điểm để hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công toàn trình. Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được triển khai kết nối thành công với Cổng dịch vụ công của tỉnh theo Đề án 06, đảm bảo đúng thời gian quy định. Kết quả 53 Dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06/CP trong 6 tháng đầu năm 2024 đã đạt được nhiều kết quả, chuyển biến tích cực (đạt 88,9%), tăng 15,14% so với 6 tháng đầu năm 2023.

Hội nghị truyền hình trực tuyến được kết nối liên thông 4 cấp Trung ương đến tỉnh, huyện và xã. Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc được triển khai, liên thông văn bản 4 cấp, việc trao đổi, xử lý văn bản trên môi trường mạng đạt 99,27% cấp tỉnh, 95,91% cấp huyện và 96,72% cấp xã (vượt chỉ tiêu theo quyết định 749/QĐ-TTg). Cổng Dịch vụ công tỉnh được triển khai 858 dịch vụ công toàn trình, tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 841/858 đạt 98,02%, 6 tháng đầu năm đã tiếp nhận 123.290 hồ sơ, trong đó hồ sơ trực tuyến đạt 77,47%, đồng bộ trạng thái lên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 90,91%. Đã ban hành danh mục Dịch vụ công toàn trình và một phần theo Nghị định 42/2022/NĐ-CP.

Kinh tế số, xã hội số từng bước hình thành và phát triển, tỷ trọng kinh tế số đạt 9,53% GRDP của tỉnh. Hoạt động thương mại điện tử, thương mại số từng bước được tăng cường; 100% doanh nghiệp đã triển khai chữ ký số và phần mềm kế toán điện tử, 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã kê khai đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, các nền tảng số. Hệ thống quản lý giáo dục được triển khai với 526 trường/4.584 lớp/135.076 học sinh; Tổng số Hồ sơ sức khỏe đã được làm sạch, cập nhật dữ liệu khám chữa bệnh là 587.028 hồ sơ, đạt 89,6% và có 17/72 cơ sở y tế cấp xã trở lên có kết nối hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa; triển khai thu nhận và cấp tài khoản định danh điện tử đến nay, đã có trên 49.424/68.774 tài khoản đạt 71,86%. Thanh toán không dùng tiền mặt đạt 153.871 tỷ đồng, chiếm 74,8%, tăng 52.542 tỷ đồng (+51,9%) so với cùng kỳ năm 2023, tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt trên 95%. Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập ở cấp xã, thôn/khu phố (814 xã phường với 444 tổ thôn với 2413 thành viên) góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh. Công dân số từng bước được hình thành và phát triển.

Các tham luận và ý kiến thảo luận tại hội nghị đã tập trung phân tích, chia sẻ những cách làm hay, mô hình sáng tạo trong quá trình thực hiện chuyển đổi số; đồng thời đánh giá những kết quả đạt được cũng như nêu những khó khăn, giải pháp thực hiện trong thời gian tới để chuyển đổi thành công.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu dự hội nghị, đồng thời nhấn mạnh: Chuyển đổi số là một trong những động lực trong phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là lựa chọn chiến lược trong quá trình phát triển. Dù đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng để chuyển đổi số hiệu quả phải toàn dân, toàn diện, trong đó vai trò của người đứng đầu rất quan trọng để chỉ đạo thúc đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số cấp mình. 

Thủ tướng đề nghị lãnh đạo đầu ngành cũng như các địa phương quyết tâm, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo thực hiện; trong đó cần xây dựng cơ sở dữ liệu công “đúng - đủ - sạch- sống”. Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tiên phong, gương mẫu trong việc thúc đẩy chuyển đổi số với quyết tâm cao nhất để thực hiện hiệu quả các các nhiệm vụ phát triển nhân lực số, công dân số, kỹ năng số và tài năng số. Ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số, cho phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số và Chính phủ số. Phát triển hạ tầng số toàn diện, phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả. Quản lý, điều hành phải số hóa. Khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách, thể chế cho chuyển đổi số theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, phát huy tính sáng tạo, chủ động của các cấp, các ngành.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ được giao trên tinh thần “5 đẩy mạnh”, “5 đảm bảo” gắn với “5 không”: Không nói không, không nói khó; không nói khó mà không làm; không bàn lùi, chỉ bàn làm; không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia; không dùng tiền mặt, hướng tới mọi giao dịch thông qua phương thức điện tử để phòng, chống tham nhũng, sách nhiễu; không giấy tờ, hướng tới số hóa và không để người dân, doanh nghiệp mất nhiều thời gian, công sức, chi phí.

Về nhiệm vụ, giải pháp tiếp theo, Thủ tướng trước hết yêu cầu tiếp tục thống nhất, nâng cao nhận thức, hành động và tổ chức thực hiện của người lãnh đạo các bộ ngành, địa phương trong chuyển đổi số; theo nguyên tắc "lãnh đạo, chỉ đạo từ trên xuống nhưng tổ chức thực hiện, tháo gỡ vướng mắc phải từ dưới lên"; Thứ hai, triển khai Nghị quyết của Đảng và xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách trong chuyển đổi số; Thứ ba, về phát triển kinh tế số, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn thương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành "Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030"; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành "Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng"; Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật và văn bản hướng dẫn liên quan đến thương mại điện tử, nhất là Luật Bảo vệ người tiêu dùng, nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển thương mại điện tử nhằm quản lý, phát triển các nền tảng thương mại điện tử trong nước, xuyên biên giới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, bảo đảm tính cạnh tranh và ngăn chặn các hành vi bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng; Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về áp dụng hóa đơn điện tử đối với các giao dịch thương mại điện tử và các hoạt động livestream, dịch vụ ăn uống...; Thứ tư, về dịch vụ công trực tuyến, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tập trung triển khai phấn đấu đến hết năm 2024 đạt 80% dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 40% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến, 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính; đến năm 2025 đạt 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân. Các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành, địa phương và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia; Thứ năm, về hạ tầng, Thủ tướng nêu rõ thời gian qua, chúng ta đã chú trọng đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng (như đường bộ cao tốc, cảng biển, cảng hàng không...); thời gian tới, chúng ta phải chú trọng đầu tư cho phát triển hạ tầng số tương xứng tầm vóc, tầm quan trọng, quan điểm là "hạ tầng số phải phát triển, đi trước một bước". Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp, nghiên cứu đầu tư thích đáng cho phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số từ nguồn vốn kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2026-2030; Bộ Tài chính tổng hợp và phân bổ ngân sách chi thường xuyên cho chuyển đổi số và Đề án 06 ổn định trong giai đoạn 2026-2030. Bộ Thông tin và Truyền thông sớm nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền ban hành Kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông Việt Nam giai đoạn 2026-2030; Thứ sáu, về triển khai Đề án 06, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và Luật Dữ liệu; tham mưu xây dựng, trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 175/NQ-CP để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xác định lộ trình để đưa các tiện ích thiết yếu lên ứng dụng VNeID, nhất là hoàn thành lý lịch tư pháp, sổ sức khỏe điện tử, giấy khai sinh, kết hôn... để người dân trên cả nước được sử dụng, thụ hưởng, hoàn thành trước 31/12/2024; Thứ bảy, về phát triển nền tảng số, dữ liệu số, nhân lực số, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045"; Thứ tám, về an ninh, an toàn thông tin, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành việc bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ; rà soát, nâng cấp an ninh an toàn các hệ thống thông tin thuộc trách nhiệm quản lý của đơn vị mình theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường phối hợp, thường xuyên đánh giá, hướng dẫn, giám sát, bảo vệ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành./.

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nghị quyết Quy định các tiêu chí để quyết định thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện...(14/11/2024 4:16 CH)

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm...(24/10/2024 3:56 CH)

UBND tỉnh họp đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ...(24/10/2024 3:43 CH)

Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp tháng 8/2024(24/10/2024 3:42 CH)

Hỏi: Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án(24/10/2024 3:37 CH)

triển khai Thông tư số 15/2024/TT-BKHĐT ngày 30/9/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư(07/10/2024 7:35 SA)

Thư chúc mừng nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13 tháng 10(03/10/2024 9:08 SA)

Trả lời ý kiến phản ánh của ông (bà) Mang Hùng; địa chỉ xã Phước Bình, huyện Bác Ái(03/10/2024 9:09 SA)

Tài liệu công bố thuộc dự án Giảm thiểu khí thải ở khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ...(17/09/2024 4:38 CH)

21 người đang online
°