Nhận định tình hình kinh tế, xã hội thời gian còn lại khó khăn, Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận kêu gọi chính quyền, doanh nghiệp, người dân chung tay nỗ lực, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2023.
|
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận trong đợt kiểm tra tiến độ công trình Hồ chứa nước Sông Than. Ảnh: Hữu Tín. |
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có thư kêu gọi gửi các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, cán bộ, đảng viên; các tổ chức, doanh nghiệp, doanh nhân và người dân trên địa bàn tỉnh “Chung tay nỗ lực, tăng tốc, quyết tâm, quyết liệt thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023”.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu người đứng đầu các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, triển khai thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm được giao; phấn đấu hoàn thành 100% nhiệm vụ năm 2023; đặc biệt chú trọng giải quyết có hiệu quả các vấn đề tồn tại liên quan đến an sinh xã hội.
Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp đột phá gồm đẩy nhanh đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt cao nhất; tập trung đột phá trong các ngành dịch vụ, du lịch, công tác chuyển đổi số; đẩy mạnh công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến chế tạo, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thu hút đầu tư thứ cấp trong các khu, cụm công nghiệp.
Duy trì tăng trưởng ngành nông nghiệp, thủy sản; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, trên tinh thần trách nhiệm, kiên trì, đổi mới cách làm, xử lý dứt điểm, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công được UBND tỉnh Ninh Thuận xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; tập trung hỗ trợ, hướng dẫn các chủ đầu tư, các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn sự nghiệp, các nguồn vốn nước ngoài.
Ông Trần Quốc Nam cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp cùng đồng hành với các cơ quan nhà nước thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và toàn dân hăng hái hưởng ứng, tích cực tham gia các phong trào thi đua phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận có thư kêu gọi trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tuy đạt khá nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra, cụ thể là tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 9 tháng tăng 8,67% (mục tiêu Nghị quyết đặt ra là 10-11%).
Cùng với đó, công nghiệp chế biến, chế tạo, thuế sản phẩm tăng trưởng thấp. Xuất khẩu thủy sản còn khó khăn, giảm mạnh; thu ngân sách giảm, nhất là nguồn thu từ đất đai; một số công trình, dự án trọng điểm về năng lượng, đô thị, du lịch... chậm tiến độ; các khu, cụm công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy còn thấp.
Giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp (đạt 46,4% kế hoạch vốn đã phân bổ chi tiết với 1.435,9 tỷ đồng/ 3.092,8 tỷ đồng - số liệu Sở Tài chính đến ngày 30/9) nhất là vốn sự nghiệp thuộc chương trình mục tiêu quốc gia; hoạt động doanh nghiệp nhìn chung còn rất khó khăn (số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 14,2%; số vốn đăng ký mới giảm 60,1%; số doanh nghiệp giải thể tăng 12,9%; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 7,9% - số liệu 9 tháng của Cục Thống kê).
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhìn nhận “thời gian còn lại của năm 2023 không nhiều, nhiệm vụ của 3 tháng cuối năm sẽ khó khăn hơn, nhất là tình hình mưa, lũ, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới chậm phục hồi, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn... làm ảnh hưởng đến tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới”.