Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước

Đăng ngày 14 - 10 - 2022
Lượt xem: 341
100%

 

(MPI) - Tại Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp quốc gia năm 2022 diễn ra vào chiều ngày 01/10/2022 với chủ đề “Thanh niên khởi nghiệp cùng đất nước phục hồi và phát triển sau đại dịch”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đã tham gia phiên đối thoại chính sách giữa lãnh đạo Chính phủ và Thanh niên; Ký kết chương trình phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2027.
Thứ trưởng Trần Duy Đông tham dự tại phiên đối thoại. Ảnh: MPI

Tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam bứt phá

Tham dự Diễn đàn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương và các chuyên gia, cố vấn, nhà đầu tư, doanh nghiệp; hội viên Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, hội viên Câu lạc bộ Đầu tư và khởi nghiệp thuộc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam; các đại biểu là thanh niên, sinh viên, doanh nhân trẻ đang có các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đại diện các Câu lạc bộ, trung tâm hỗ trợ, vườn ươm tạo khởi nghiệp; các chuyên gia, nhà tư vấn khởi nghiệp sáng tạo.

Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày đã diễn ra 2 diễn đàn bên lề với các chủ đề: “Cơ chế, chính sách đặc thù để tạo sự bứt phá cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam” với sự phối hợp tổ chức của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; “Phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam linh hoạt, thích ứng bối cảnh mới” với sự phối hợp tổ chức của Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP.

Phát biểu mở đầu phiên đối thoại, Thứ trưởng Trần Duy Đông thông tin về những điểm thuận lợi, hạn chế của việc thu hút đầu tư, trong đó có đầu tư nước ngoài cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam và cho biết, Việt Nam có địa chính trị ổn định, được các nhà đầu tư đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, tiềm năng và hấp dẫn. Với sự quan tâm cao của Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, sự đồng thuận của các doanh nghiệp, môi trường đầu tư của Việt Nam ngày càng trở nên thông thoáng, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, thể hiện qua các chỉ số về năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh toàn cầu… Lợi thế về nguồn nhân lực, có tiềm năng trí tuệ và kỹ năng lao động cao. Đây là một lợi thế lớn trong bối cảnh toàn cầu hóa và kinh tế tri thức.

Cùng với đó, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; Việt Nam đứng thứ hai thế giới về phục hồi sau đại dịch. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng ước tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đầu tư ngoài nhà nước ước tăng 10%, vốn FDI thực hiện tăng 16,2% cho thấy xu hướng mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh khá tích cực, phản ánh niềm tin của doanh nghiệp vào việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, bên cạnh các thời cơ, thuận lợi nêu trên thì Việt Nam vẫn còn những thách thức và hạn chế liên quan đến các quy định của pháp luật; hiệu quả đầu tư chưa cao, hệ số ICOR của nền kinh tế nước ta khá cao, phản ánh vốn đầu tư thực hiện chưa thật sự hiệu quả, đầu tư còn dàn trải, manh mún, kéo dài. Các quỹ đầu tư quy mô còn nhỏ và cần mở rộng hơn, đặc biệt là thu hút từ nhà đầu tư nước ngoài cho đổi mới sáng tạo. Chưa huy động tốt các nguồn lực sẵn có để phục vụ tăng trưởng. Đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp. Lực lượng lao động có kỹ năng, đặc biệt là lao động công nghệ cao, những lĩnh vực công nghiệp mới còn hạn chế.

Về cơ chế chính sách về vốn đầu tư cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, vừa qua có nhiều cơ chế hỗ trợ, đặc biệt là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy định về khởi nghiệp sáng tạo, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và quy định về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo (quy định miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ về công nghệ, đào tạo nhân lực, thu hút đầu tư, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại…). Tiếp đến là các văn bản hướng dẫn nhằm cụ thể hóa các nội dung hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tại Luật, trong đó có Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Thông tư 06/2022/TT-BKHĐT ngày 10/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP.

Về cơ chế cho việc đầu tư, thoái vốn, rút vốn, chuyển nhượng vốn nhanh chóng dành riêng cho đối tượng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Nghị định số 38/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo đã có các quy định cụ thể từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, các quy định về thoái vốn, đặc biệt là chuyển nhượng vốn cũng được quy định chi tiết tại Nghị định. Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đánh giá tình hình triển khai Nghị định số 38/2018/NĐ-CP và tiếp thu ý kiến của cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo để tiếp tục hoàn thiện các quy định liên quan tới đầu tư, rút vốn, thoái vốn chuyển nhượng vốn.

Về cơ chế đầu tư mạo hiểm, tại Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đã giao Chính phủ nghiên cứu xây dựng chính sách, pháp luật khuyến khích đầu tư mạo hiểm. Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì triển khai nhiệm vụ này. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu tổng hợp các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có ý kiến của cộng đồng thanh niên khởi nghiệp để đề xuất với Chính phủ cơ chế, chính sách về đầu tư mạo hiểm.

Về chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp chuyển đổi số, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ triển khai dự án hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa với mục tiêu lựa chọn 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ toàn bộ chi phí về giải pháp chuyển đổi số, tư vấn về các lĩnh vực, trong đó có logistics... tới năm 2025.

Lễ Ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Trung ương Đoàn TNCS
Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2027. Ảnh: MPI

Tại Diễn đàn, các đại biểu thanh niên, doanh nhân trẻ và lãnh đạo các bộ, ngành đã trao đổi, chia sẻ về các cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam; Cơ chế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài và thoái vốn, rút vốn, chuyển nhượng vốn nhanh nhằm thúc đẩy các nhà đầu tư đầu tư vào các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam; cơ chế đột phá cho việc thu hút, trao đổi nguồn nhân lực chất lượng cao cho khởi nghiệp sáng tạo; cơ chế, chính sách dành cho các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ, logistics; Giải pháp để thanh niên khởi nghiệp tham gia giải quyết những bài toán lớn của đất nước.

Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra Lễ Ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2027 với mục tiêu thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, nâng cao vai trò của thanh niên trong thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.

Cùng hướng tới các mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao các nội dung được thảo luận; đánh giá cao Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức các diễn đàn, hoạt động khởi nghiệp trong thanh niên, từ đó đề xuất những sáng kiến, kiến nghị rất cụ thể với Chính phủ, các bộ, ngành.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết luận Diễn đàn. Ảnh: MPI

Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới về dân số, tuy nhiên, trải qua nhiều thăng trầm, chiến tranh nên xuất phát điểm của nền kinh tế nước ta rất thấp. Trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng liên tục cao nhất thế giới. Trong hơn 2 năm đại dịch COVID-19 bùng phát, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cũng cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng bình quân của thế giới. Mặc dù vậy, đến nay, Việt Nam vẫn là nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp, với GDP bình quân đầu người đứng thứ 126 trên thế giới.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Nhà nước luôn tạo điều kiện để tất cả doanh nghiệp, người dân làm kinh tế một cách liêm chính. Hằng năm, Chính phủ ban hành nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với hàng trăm tiêu chí, nhiệm vụ cụ thể của từng bộ, ngành, trên cơ sở chỉ số, bảng xếp hạng của một số tổ chức quốc tế uy tín như: Diễn đàn Kinh tế thế giới, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới…

Trong bảng xếp hạng chỉ số Năng lực đổi mới sáng tạo toàn cầu vừa được công bố, Việt Nam xếp thứ 48, trong đó tiêu chí về thể chế tăng 32 bậc, thể hiện chất lượng pháp lý, sự cam kết của Chính phủ. Tuy nhiên sẽ cần thêm nhiều nỗ lực để các chỉ số xếp hạng về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam vào tốp 50 trên thế giới.

Phó Thủ tướng mong muốn các bạn thanh niên đã và đang có ý tưởng, bắt đầu khởi sự kinh doanh hay khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển xanh, bền vững, gắn kết với cộng đồng xung quanh; ưu tiên phát triển những mô hình có sự lan tỏa, đóng góp cho việc phát triển cộng đồng như nông sản sạch, du lịch cộng đồng...; đồng thời lan tỏa tinh thần trách nhiệm với xã hội; cùng nhau hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc là hòa bình, không để ai bị bỏ lại phía sau./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đính chính thông tin đăng tải trên Cổng thông tin hệ thống mạng đấu thầu quốc gia(08/04/2024 9:00 SA)

Khắc phục vướng mắc để các Chương trình mục tiêu quốc gia phát huy hiệu quả hơn nữa(31/10/2023 4:14 CH)

Có sự trùng lặp, vướng mắc giữa các văn bản pháp luật đang có hiệu lực(31/10/2023 4:13 CH)

Chương trình MTQG: Vướng mắc cơ bản được giải quyết(31/10/2023 4:09 CH)

Phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023(31/10/2023 4:08 CH)

Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Cảng hàng không Thành Sơn (Ninh Thuận)(31/10/2023 3:55 CH)

Ninh Thuận thu hút nhiều dự án vào Khu công nghiệp Thành Hải(31/10/2023 3:53 CH)

Chủ tịch Ninh Thuận viết thư kêu gọi “đồng hành” hoàn thành nhiệm vụ năm 2023(31/10/2023 3:42 CH)

Quy trình thực hiện lựa chọn nhà thầu(20/10/2023 2:48 CH)

49 người đang online
°