Điều kiện tự nhiên xã hội

Đăng ngày 01 - 01 - 2015
Lượt xem: 818
100%

 

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ:

Ninh Thuận thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ, phía bắc giáp tỉnh Khánh Hòa, phía nam giáp tỉnh Bình Thuận, phía tây giáp tỉnh Lâm Đồng và phía đông giáp biển Đông.

Diện tích tự nhiên 3.358 km2, có 7 đơn vị hành chính gồm 1 thành phố và 6 huyện. Tp.Phan Rang-Tháp Chàm là thành phố thuộc tỉnh, trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của tỉnh, cách Tp.Hồ Chí Minh 350 km, cách sân bay Cam Ranh 60 km, cách Tp.Nha Trang 105 km và cách Tp.Đà Lạt 110 km, thuận tiện cho việc giao lưu phát triển kinh tế-xã hội.

2. ĐỊA HÌNH:

Địa hình Ninh Thuận thấp dần từ Tây bắc xuống Đông nam, với 3 dạng địa hình: Núi chiếm 63,2%, đồi gò bán sơn địa chiếm 14,4%, đồng bằng ven biển chiếm 22,4% diện tích tự nhiên toàn tỉnh.

3. KHÍ HẬU, THỦY VĂN:

 Ninh Thuận có khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình với đặc trưng khô nóng, gió nhiều, bốc hơi mạnh, nhiệt độ trung bình hàng năm từ 26-270C, lượng mưa trung bình 700-800 mm ở Phan Rang và tăng dần đến trên 1.100 mm ở miền núi, độ ẩm không khí từ 75-77%. Năng lượng bức xạ lớn 160 Kcl/cm2. Tổng lượng nhiệt 9.500-10.000oC. Thời tiết có 2 mùa rõ rệt: Mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 11; mùa khô từ tháng 12-8 năm sau.

Nguồn nước ở Ninh Thuận phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở khu vực phía bắc và trung tâm tỉnh. Nguồn nước ngầm chỉ bằng 1/3 mức bình quân cả nước.

4. TÀI NGUYÊN ĐẤT:

Tổng diện tích tự nhiên 335.833 ha , trong đó đất dùng vào sản xuất nông nghiệp 73.818 ha; đất lâm nghiệp 186.049 ha; đất nuôi trồng thuỷ sản 1.801 ha; đất làm muối  3.967 ha; đất chuyên dùng  17.918 ha; đất ở  4.675 ha; đất sông suối và mặt nước chuyên dùng  6.396 ha; còn lại đất chưa sử dụng.

 

  5. TÀI NGUYÊN BIỂN:

 Bờ biển dài 105 km, ngư trường của tỉnh nằm trong vùng nước trồi có nguồn lợi hải sản phong phú và đa dạng với trên 500 loài hải sản các loại. Ngoài ra, còn có hệ sinh thái san hô phong phú và đa dạng với trên 120 loài và rùa biển đặc biệt quý hiếm chỉ có ở Ninh Thuận. Vùng ven biển có nhiều đầm vịnh phù hợp phát triển du lịch và phát triển nuôi trồng thủy sản và sản xuất tôm giống là một thế mạnh của ngành thủy sản.

  

6. TÀI NGUYÊN, KHOÁNG SẢN:

- Khoáng sản kim loại có Wonfram, Molipđen, thiếc. Titan tại khu vực ven biển với trữ lượng nhiều triệu tấn.

- Khoáng sản phi kim loại có thạch anh tinh thể, đá granite, cát thủy tinh, sét gốm…

- Nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng có đá granite với tổng trữ lượng khoảng 850 triệu m3, cát kết vôi trữ lượng khoảng 1,5 triệu m3; đá vôi san hô tập trung vùng ven biển trữ lượng khoảng 2,5 triệu tấn CaO; sét phụ gia, đá xây dựng.

- Tiềm năng về khoáng bùn mới được phát hiện ở thôn Suối Đá, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc tỉnh Ninh Thuận, qua kết quả điều tra khảo sát của của Liên đoàn quy hoạch và điều tra tài nguyên nước Miền Trung thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, bùn khoáng có chất lượng tốt, không có chứa các chất độc hại, trữ lượng bùn khoáng dự kiến khoảng trên 30.000 tấn, có thể tiếp tục điều tra, thăm dò và khai thác sử dụng vào mục đích phát triển phục vụ loại hình du lịch kết hợp tắm ngăm chữa bệnh.

ĐIỀU KIỆN XÃ HỘI CỦA TỈNH NINH THUẬN

1. Dân số và nguồn lao động

Dân số trung bình năm 2012 có  576,7 ngàn người. Mật độ dân số trung bình 172 người/km2, phân bố không đều, tập trung chủ yếu vùng đồng bằng ven biển. Cộng đồng dân cư gồm 3 dân tộc chính là dân tộc Kinh chiếm 78%, dân tộc Chăm chiếm 12%, dân tộc Răglây chiếm 9%, còn lại là các dân tộc khác.

Dân số trong độ tuổi lao động có  312.940 người, chiếm khoảng  54.27%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng  14.2%. Cơ cấu lao động hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản chiếm 51,99%, công nghiệp xây dựng chiếm 15%, khu vực dịch vụ chiếm 33,01%.

Với nguồn lao động dồi dào trên sẽ đáp ứng nhu cầu lao động cho các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. 

2. Giáo dục- đào tạo

Toàn tỉnh có 324 trường/3.596 phòng học phổ thông các cấp học, trong đó có 19 trường THPT/348 phòng học, có 62 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 23.5%), có 90trường mẫu giáo, nhà trẻ /736 phòng học. Hệ thống giáo dục phổ thông và nội trú đã hình thành ở tất cả các huyện, thành phố. Hệ thống các trường đào tạo gồm: Phân hiệu Đại học Nông lâm Tp.Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận, Trường Cao đẳng sư phạm, Trường Chính trị, Trung tâm ĐH2 - Đại học Thủy lợi,  Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận, các Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp và dạy nghề các huyện, thành phố có nhiệm vụ nâng cao trình độ chuyên môn và tay nghề cho người lao động.

3. Y Tế

Toàn tỉnh có 84 cơ sở y tế khám chữa bệnh với  1.705 giường bệnh, đạt tỷ lệ 27,8 giường bệnh/vạn dân, trong đó: Tuyến tỉnh có 8 cơ sở - 810 giường bệnh, Tuyến huyện, xã có 73 cơ sở - 1.090 giường bệnh (trong đó 65 trạm y tế xã, phường-325 giường bệnh). Tổng số y bác sỹ  1.741 người. Đã đầu tư mới và đưa vào hoạt động bệnh viện đa khoa tỉnh với quy mô 550 giường bệnh, bệnh viện các huyện Thuận Bắc, Thuận Nam, quy mô 100 giường bệnh; nâng cấp bệnh viện huyện Ninh Phước, bệnh viện khu vực Ninh Sơn và các phòng khám đa khoa khu vực; xây dựng Trường Trung cấp y tế và Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS.

Tin liên quan

Tin mới nhất

Cơ sở hạ tầng(01/01/2015 7:07 SA)

Công - Nông - Lâm - Thủy sản(01/01/2015 7:06 SA)

Tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển (01/01/2015 7:06 SA)

87 người đang online
°