Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, đầu những năm 1990, sau khi Luật Công ty và Luật DN tư nhân được ban hành, bên cạnh các DN Nhà nước (DNNN), trong toàn quốc chỉ có khoảng 5.000 DN tư nhân. Ngày hôm nay, khu vực kinh tế tư nhân đã có tới gần 900.000 DN, cùng với các DNNN, các DN FDI, các HTX tạo thành lực lượng hùng hậu thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển, đưa quy mô GDP Việt Nam nằm trong Top 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong Top 20 của thế giới...
Nhiều sản phẩm Việt Nam tự hào vươn ra thị trường toàn cầu đến mọi châu lục, đồng thời cũng đáp ứng tốt các nhu cầu trong nước. Đời sống nhân dân được cải thiện vượt bậc, GDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 4.110 USD, tăng 48 lần so với năm 1986.
Công cuộc đổi mới ở nước ta đang bước vào giai đoạn mới trong bối cảnh tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Điều này mang lại nhiều cơ hội, thuận lợi, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho phát triển nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam.
Chính vì vậy, đội ngũ doanh nhân phải là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phát triển đội ngũ doanh nhân là bước đột phá góp phần phát triển kinh tế-xã hội, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu, nâng cao vị thế của Việt Nam trong thời kỳ mới.
Trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta cũng đã khẳng định: "Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi".
Cũng theo Chủ tịch VCCI, "từ năm 2004, ngày 13/10 được coi là 'ngày Tết' của giới doanh nhân Việt Nam và trong dịp 'Tết doanh nhân' năm nay, chúng ta vui mừng đón nhận một món quà hết sức đặc biệt từ Đảng, Nhà nước – đó là một nghị quyết mới của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới thay cho Nghị quyết 09 được ban hành cách đây 12 năm.
Nghị quyết mới của Bộ Chính trị có những nội dung mới về quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Đây không chỉ là những nội dung mới mà còn rất quyết liệt, rất trúng mong đợi của giới doanh nhân và xã hội", Chủ tịch VCCI nói.
Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 10/10/2023 đã ký ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Kết quả tổng kết Nghị quyết 09-NQ/TW cho thấy sự đúng đắn và kịp thời của Đảng khi cách đây 12 năm đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An cho biết, bên cạnh việc kế thừa những nội dung còn nguyên giá trị của Nghị quyết 09-NQ/TW, Nghị quyết 41-NQ/TW đưa ra những nội dung mới trong quan điểm, định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp.
Nghị quyết mới đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ bảo đảm thực hiện các quan điểm, mục tiêu đã xác định, phù hợp với bối cảnh và tình hình mới. Cụ thể, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước.
Nhóm nhiệm vụ thứ hai là hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, DN phát triển và cống hiến.
Theo đó, khẩn trương rà soát, thể chế hoá kịp thời, đầy đủ, đồng bộ đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ doanh nhân, cộng đồng DN; tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...
Nhiệm vụ thứ ba, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới. "Trong đó, ban hành Chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân quốc gia, ngành, địa phương gắn với mục tiêu tổng quát, mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới", Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An chia sẻ.
Nghị quyết đề ra, có chính sách đột phá để hình thành, phát triển DN dân tộc, DN quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp…
Nhiệm vụ thứ tư, xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Nhiệm vụ thứ năm, tăng cường đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Đặc biệt ở nhóm nhiệm vụ sáu, Nghị quyết 41 đề ra phát huy vai trò của VCCI, các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, DN. Trong đó, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nhân, DN; phát triển hội viên, phát triển tổ chức ngày càng vững mạnh; là cầu nối vững chắc giữa Đảng với doanh nhân, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
Nhóm nhiệm vụ bảy, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân.
Với những nội dung mới được Nghị quyết 41 đề cập tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế cùng với sự ủng hộ của đội ngũ doanh nhân cả nước trong việc thực hiện, Phó Trưởng Ban Đỗ Ngọc An tin tưởng Nghị quyết 41 sẽ từng bước đi vào đời sống, đi vào các hoạt động của đội ngũ doanh nhân DN Việt Nam. Đồng thời, đội ngũ doanh nhân, DN Việt Nam sẽ từng bước phát triển mạnh mẽ.