Nhiều doanh nghiệp cho biết khó khăn còn rất lớn, đặc biệt là khả năng tiếp cận vốn vay, gánh nặng thuế, giá cả biến động.
|
Đại biểu Dương Văn Phước tham gia thảo luận. |
Các chính sách thuế chưa đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, thiếu vốn nghiêm trọng... là thực tế được đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) nêu khi tham gia thảo luận về kinh tế, xã hội tại Quốc hội, chiều 31/10.
Theo đại biểu Phước, mặc dù Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhưng nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết khó khăn còn rất lớn, đặc biệt là khả năng tiếp cận vốn vay, gánh nặng thuế, giá cả biến động.
Cụ thể hơn, vị đại biểu Quảng Nam phản ánh, việc tiếp cận nguồn vốn vay hiện rất khó khăn, nhất là khoản vốn vay trung, dài hạn, do điều kiện vay nghiêm ngặt, thủ tục phức tạp. Hầu hết doanh nghiệp chỉ có thể tiếp cận khoản vay ngắn hạn.
Hiện nay, hàng tồn kho lớn, chậm luân chuyển, các ngân hàng hầu như không chấp nhận tài sản này làm tài sản đảm bảo. Đây là rào cản rất lớn để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay, đại biểu phản ánh.
Trong khi đó, theo đại biểu, các chính sách thuế chưa đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Hiện các doanh nghiệp phải gồng mình với các khoản thuế, ngay cách tính thuế, áp thuế cũng gây rất nhiều khó khăn.
Lấy ví dụ ở Quảng Nam, ông Phước cho biết, có doanh nghiệp kinh doanh sân gofl có diện tích 60 ha, doanh thu một năm 100 tỷ đồng nhưng phải đóng thuế tới 45 tỷ đồng. Doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, đã kiến nghị nhiều lần, vì cách tính thuế áp ngay trên cả tuyến đường chính trên diện tích cả 60 ha thì doanh nghiệp không thể chịu nổi.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn khó khăn ở chỗ giá cả thường xuyên biến động, tăng cao, nhất là giá vật liêu xây dựng, nhân công. Trong khi nhiều đơn giá của nhà nước chậm thay đổi, còn quá thấp, doanh nghiệp xây dựng gặp nhiều khó khăn, thi công cầm chừng, chấp nhận chịu phạt, chậm tiến độ còn hơn là bị thua lỗ. Đây chính là nguyên nhân khiến tình trạng giải ngân vốn đầu tư công thấp, ông Phước nhìn nhận.
Vị đại biểu Quảng Nam kiến nghị Chính phủ cần quan tâm khó khăn của doanh nghiệp để có chính sách hỗ trợ kịp thời, thiết thực hơn. “Doanh nghiệp đang thiếu vốn nghiêm trọng, Chính phủ cần thiết kế các gói tín dụng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Trước mắt tập trung khơi thông nguồn vốn ngân hàng thông qua tiếp tục hạ lãi suất, nới lỏng điều kiện cho vay”, ông Phước phát biểu.
Đồng thời, đại biểu đề nghị NHNN chỉ đạo ngân hàng thương mại sớm hạ tiêu chuẩn về đánh giá lịch sử trả nợ khách hàng, doanh nghiệp; giãn nợ, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm phí thông qua trả nợ chậm tín dụng, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng ảnh hưởng đại dịch Covid-19, để có thể thêm thời gian phục hồi, trả nợ và khắc phục nợ xấu.
Ngoài ra, cần có gói tín dụng tín chấp phù hợp với mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, đồng hành, chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thuế, lắng nghe, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp liên quan vấn đề thuế. Nghiên cứu chính sách thuế phù hợp doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Trong điều kiện khó khăn hiện nay, cần chú trọng nuôi dưỡng nguồn thu, xem xét điều kiện của từng doanh nghiệp để có chính sách giảm thuế phù hợp”, đại biểu đề nghị.
Tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp, kéo dài thời gian giảm thuế VAT đến hết 30/6/2024, là vấn đề được đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) đề cập.
|
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa phát biểu tại hội trường. |
Ông Nghĩa cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia tiến hành thương lượng sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động, bảo đảm thực hiện từ 1/7/2024 cùng thời điểm với việc thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công.
Nhìn tổng thể kết quả của kế hoạch năm 2023, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nêu, bên cạnh những kết quả rất trân trọng, năm 2023, có 5/15 chỉ tiêu Quốc hội giao chưa đạt. Trong 5 chỉ tiêu chưa đạt của năm 2023, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội ước đạt 3,77-4,76 (chỉ tiêu Quốc hội giao là 5,0 - 6,0%).
Ông Nghĩa nhấn mạnh, đây là năm thứ 3 liên tiếp không đạt chỉ tiêu này. Điều đáng lo ngại là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đang có xu hướng giảm: Giai đoạn 3 năm 2021 - 2023 chỉ đạt 4,36-4,69%, thấp hơn mức bình quân 6,26% của 3 năm 2016-2018.
Vì vậy, ông Nghĩa “đề nghị Chính phủ đánh giá bổ sung 3 nguyên nhân nêu tại báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp, xác định trách nhiệm và có giải pháp quyết liệt đối với chỉ tiêu này".
Tại các Kỳ họp trước, đại biểu Quốc hội cũng có ý kiến và kiến nghị các giải pháp về tăng năng suất lao động, phát huy lợi thế nguồn nhân lực trong thời kỳ dân số vàng, ông Nghĩa nhấn mạnh.