Xây dựng Đề án tư liệu hóa và chuyển đổi số trong hệ thống thống kê quốc gia

MPI) – Ngày 01/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2014/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng “Đề án tư liệu hóa và chuyển đổi số trong hệ thống thống kê quốc gia”.

Đề án được xây dựng nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong hoạt động thống kê theo hướng hiệu quả, nhanh chóng và đồng bộ giúp nâng cao chất lượng thông tin, đáp ứng nhanh và kịp thời nhu cầu sử dụng thông tin của các cấp lãnh đạo và toàn xã hội, nâng cao tính dễ tiếp cận số liệu thống kê của người sử dụng thông tin.

Mục tiêu của Đề án là hiện đại hóa hoạt động thống kê theo hướng chuyển đổi số bắt đầu bằng số hóa văn bản, tài liệu, dữ liệu hành chính, lưu chuyển trên môi trường số hóa; tự động hóa các quy trình nghiệp vụ của hoạt động thống kê, tiến tới tái cơ cấu quy trình nghiệp vụ dựa trên ứng dụng các công nghệ tiên tiến; khai thác và sử dụng hiệu quả dữ liệu thống kê, nâng cao tính minh bạch và giải trình, xóa bỏ khoảng cách dữ liệu tạo tiền đề cho cách mạng dữ liệu thống kê. Cụ thể, hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng quy định, hướng dẫn tạo cơ chế chính sách để thực hiện thành công tư liệu hóa, chuyển đổi số trong hoạt động thống kê.

Theo Dự thảo Đề án, mục tiêu đề ra đến năm 2025 là xây dựng các quy trình nghiệp vụ, quy định, giải pháp kỹ thuật, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương để triển khai các giải pháp chuyển dữ liệu mở của Chính phủ thành các dữ liệu thống kê. Ban hành các văn bản hướng dẫn việc tư liệu hóa và chuyển đổi số trong hoạt động thống kê bao gồm việc chuyển đổi quy trình nghiệp vụ, tổ chức hoạt động, sản phẩm và dịch vụ, ứng dụng công nghệ trong hoạt động thống kê. Đến năm 2030, sửa đổi Luật Thống kê và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, tạo hành lang pháp lý cho việc chuyển đổi số hoạt động thống kê theo xu hướng hội nhập quốc tế và cách mạng dữ liệu.

Dự thảo đưa ra quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm giải trình, minh bạch của các bộ, ngành và địa phương trong công tác thống kê và vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy định việc sử dụng dữ liệu mở và dữ liệu lớn, tạo điều kiện cho việc sử dụng nguồn tài nguyên quý giá này để sản xuất thông tin thống kê theo phương thức mới. Hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ, quy định, giải pháp kỹ thuật, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để triển khai các giải pháp chuyển dữ liệu mở của Chính phủ thành dữ liệu thống kê.

Về thực hiện tư liệu hóa và số hóa tài liệu, hình thành kho dữ liệu thông tin về hoạt động sản xuất thông tin thống kê và hoạt động quản lý, điều hành trong công tác thống kê. Cụ thể đến năm 2025, 50% các văn bản hành chính, công văn giấy tờ, tài liệu lưu trữ, báo cáo của ngành Thống kê được số hóa; 50% các hoạt động thống kê được tư liệu hóa dưới dạng số. Đến năm 2030, 100% các văn bản hành chính, công văn giấy tờ, tài liệu lưu trữ, báo cáo của ngành Thống kê được số hóa; Trên 90% các hoạt động thống kê được tư liệu hóa.

Về hoạt động thu thập và xử lý dữ liệu thống kê được thực hiện trên nền tảng số. Triển khai các ứng dụng thông minh để thu thập, xử lý dữ liệu, trong đó áp dụng các giải pháp chuyển dữ liệu mở của Chính phủ thành các dữ liệu thống kê nhằm đáp ứng được yêu cầu về thời gian và tính chính xác, đồng thời nâng cao tính minh bạch giải trình của dữ liệu. Tăng cường sử dụng dữ liệu lớn kết hợp phục vụ thống kê chính thức. Cụ thể đến năm 2025, 100% báo cáo trong ngành Thống kê được thực hiện trên môi trường số; Triển khai đưa vào sử dụng các ứng dụng xử lý dữ liệu thông minh, có khả năng tự động thu thập, xử lý dữ liệu lớn và dữ liệu mở. Ứng dụng công nghệ trợ lý ảo (AI Virtual Assistant) nhằm hỗ trợ thu thập thông tin. Ứng dụng công nghệ học máy (Machine learning) nhằm hỗ trợ xử lý dữ liệu. Đến năm 2030, 100% báo cáo thống kê của các bộ, ngành và địa phương được thực hiện trên môi trường số; Sử dụng nguồn dữ liệu hành chính phục vụ biên soạn 70% chỉ tiêu thống kê thuộc các hệ thống chỉ tiêu thống kê; Hoàn thiện hệ thống ứng dụng xử lý dữ liệu thông minh phục vụ dùng chung cho hệ thống thống kê nhà nước.

Về tăng cường sử dụng các công cụ phân tích thống kê thông minh dùng chung dựa trên công nghệ khai phá dữ liệu. Xây dựng công cụ phân tích thông minh với việc ứng dụng các công nghệ khai phá dữ liệu tiên tiến hỗ trợ biên soạn các chỉ tiêu thống kê một các chính xác. Cụ thể đến năm 2025, xây dựng công cụ báo cáo phân tích (BI - Business Intelligence) sẵn sàng tạo mọi loại báo cáo để phục vụ cho mọi đối tượng người dùng dữ liệu thống kê; Áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI - Artifical Intelligence) hỗ trợ xây dựng báo báo thống kê tình hình kinh tế xã hội. Đến năm 2030, công cụ phân tích được hỗ trợ bởi AI có khả năng tập hợp dữ liệu từ nhiều nguồn để phân tích và dự báo.

Về phổ biến, chia sẻ và sử dụng dữ liệu thống kê trên nền tảng số. Các dịch vụ và sản phẩm thống kê được hình thành đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin của các cấp Lãnh đạo, các cấp, ngành, địa phương và toàn thể xã hội; biến dữ liệu thống kê thành nguồn lực có giá trị để phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể đến năm 2025, các dịch vụ và sản phẩm thống kê đáp ứng tới 30% nhu cầu của xã hội, đạt tỷ lệ hài lòng của người dùng 85%, trong đó 80% dữ liệu được cập nhật và cung cấp kịp thời; Cung cấp dữ liệu thống kê vi mô đáp ứng trên 30% nhu cầu của các đối tượng sử dụng thông tin thống kê trong và ngoài nước. Đến năm 2030, 100% chỉ tiêu thống kê quốc gia, báo cáo thống kê được cập nhật theo thời gian thực trên môi trường số; Các dịch vụ và sản phẩm thống kê đáp ứng tới 60% nhu cầu của xã hội, đạt tỷ lệ hài lòng của người dùng 95%, trong đó 90% dữ liệu được cập nhật và cung cấp kịp thời; Cung cấp dữ liệu thống kê vi mô đáp ứng trên 60% nhu cầu của các đối tượng sử dung thông tin thống kê trong và ngoài nước.

Về hiện đại hóa hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin của ngành Thống kê đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các phần mềm ứng dụng với việc áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến có triển vọng lâu dài có khả năng cập nhật và kết nối với hệ thống thông tin khác thông suốt nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Bảo đảm an toàn an ninh thông tin, an ninh mạng cho hệ thống công nghệ thông tin của ngành Thống kê, đồng thời bảo đảm việc truy cập dễ dàng và thân thiện. Cụ thể đến năm 2025, năng lực của hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng đủ năng lực cho hoạt động sản xuất thông tin thống kê từ nguồn dữ liệu điều tra, tổng điều tra thống kê và đáp ứng 50% việc thu thập dữ liệu hành chính; Xây dựng nền tảng tích hợp ứng dụng thống nhất. Đến năm 2030, xây dựng Trung tâm Dữ liệu thống kê đáp ứng đủ năng lực cho toàn bộ hoạt động sản xuất thông tin thống kê, lưu trữ, chia sẻ và khai thác sử dụng thông tin thống kê và các hoạt động điều hành trong toàn hệ thống tổ chức thống kê tập trung; Hoàn thành nền tảng tích hợp ứng dụng thống nhất.

Về tái cơ cấu quy trình nghiệp vụ dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến cách thức sản xuất và sử dụng dữ liệu phục vụ chuyển đổi số. Chuẩn hóa và tái cơ cấu các quy trình nghiệp vụ thống kê dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến cách thức sản xuất và sử dụng dữ liệu, tăng cường tự động hóa tạo điều kiện cho chuyển đổi số. Cụ thể đến năm 2025, hoàn thiện các quy trình phục vụ hoạt động thống kê, bao gồm nghiệp vụ thống và công tác chỉ đạo điều hành. Đến năm 2030, 100% các quy trình sản xuất thông tin thống kê được tái cơ cấu phục vụ chuyển đổi số.

Về hoạt động điều hành trong toàn hệ thống tổ chức thống kê tập trung được thực hiện trên nền tảng số. Xây dựng hệ sinh thái phục vụ chỉ đạo điều hành thống nhất trong hệ thống tổ chức thống kê tập trung. Cụ thể đến năm 2025, 100% các văn bản hành chính, báo cáo, tài liệu được lưu chuyển an toàn và nhanh chóng trên môi trường số, kịp thời triển khai mọi chủ trương điều hành và phối hợp trong hoạt động thống kê; Các văn bản, tài liệu được lưu trữ tự động theo quy định của Luật lưu trữ. Đến năm 2030, 100% các văn bản hành chính, báo cáo, tài liệu trong toàn hệ thống tổ chức thống kê tập trung được quản lý trong một hệ thống liên thông, thống nhất, bảo đảm an toàn và truy cập thuận tiện.

Đề án được áp dụng trong Hệ thống thống kê tập trung, tổ chức thống kê bộ, ngành và các địa phương đối với các hoạt động sản xuất thông tin thống kê; công tác chỉ đạo điều hành trong hệ thống tổ chức thống kê tập trung. Thời gian thực hiện của Đề án: Từ năm 2022 đến năm 2030.

Dự thảo Đề án đang được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xin ý kiến./.

 

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư