TÌNH HÌNH ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP THÁNG 9 VÀ 9 THÁNG ĐẦU NĂM 2022

I. Tình hình đăng ký doanh nghiệp 9 tháng đầu năm 2022

1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường

Tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2022 tiếp tục duy trì tín hiệu tích cực. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 9 tháng đầu năm đạt mức cao nhất trong giai đoạn 9 tháng đầu năm từ trước đến nay với 163.300 doanh nghiệp, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,3 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 9 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2021.  

1.1. Doanh nghiệp thành lập mới

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 9 tháng đầu năm 2022 là 112.791 doanh nghiệp, mức cao nhất trong giai đoạn 9 tháng đầu năm từ trước đến nay, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng đầu năm nay (112.698 doanh nghiệp), trong đó có một số điểm đáng chú ý:

- Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2022 là 3.908.239 tỷ đồng (tăng 36,0% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 1.272.285 tỷ đồng (tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2021). Có 38.688 lượt doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn trong 9 tháng đầu năm 2022 (tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2021), số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 2.635.954 tỷ đồng (tăng 57,2% so với cùng kỳ năm 2021). Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 11,3 tỷ đồng, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2021.

- Có 16/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2021: Hoạt động dịch vụ khác (tăng 71,9%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 68,1%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 67,4%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (tăng 56,2%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (tăng 53,8%)...

- Doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu vẫn thuộc nhóm ngành Dịch vụ với 83.345 doanh nghiệp, chiếm 73,9% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm ngành công nghiệp và xây dựng có 27.903 doanh nghiệp gia nhập thị trường, chiếm 24,7% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2021. Khu vực Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản lại ghi nhận 1.543 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

- Cả 06 khu vực trên cả nước đều có số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, 02 khu vực có sự gia tăng mạnh nhất là Đồng bằng Sông Cửu Long (8.982 doanh nghiệp, tăng 47,0%) và Đông Nam Bộ (45.457 doanh nghiệp, tăng 41,8%).

- Doanh nghiệp thành lập mới tập trung chủ yếu có quy mô nhỏ (từ 0 - 10 tỷ đồng) với 101.115 doanh nghiệp (chiếm 89,6%, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm 2021).

- Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đầu năm 2022 là 758.124 lao động, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2021.

- Tính riêng trong Quý III/2022, số doanh nghiệp gia nhập thị trường là 36.558 doanh nghiệp, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021 (18.400 doanh nghiệp) và gấp 1,2 lần so với mức trung bình doanh nghiệp thành lập mới trong Quý III giai đoạn 2017-2021 (31.079 doanh nghiệp).

1.2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2022 là 50.509 doanh nghiệp, tăng 56,1% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, con số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tính trong 9 tháng đầu năm nay đã cao hơn số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong một năm của giai đoạn trước đây[1]. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở tất cả 17 lĩnh vực, trong đó phải kể đến một số lĩnh vực chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua đã có sự phục hồi tích cực: Hoạt động dịch vụ khác (1.468 doanh nghiệp, tăng 241,4%); Giáo dục và đào tạo (1.266 doanh nghiệp, tăng 74,6%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (442 doanh nghiệp, tăng 69,3%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (2.884 doanh nghiệp, tăng 62,4%); Dịch vụ việc làm; du lịch (2.852 doanh nghiệp, tăng 55,7%)...

2. Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Trong 9 tháng đầu năm 2022 có 112.698 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 55,5%). Cụ thể:

- Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2022 là 62.544 doanh nghiệp, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2021. Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2022 có thời gian hoạt động ngắn, có thời gian hoạt động dưới 5 năm với 30.183 doanh nghiệp (chiếm 48,3%); tập trung chủ yếu ở quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng) với 55.875 doanh nghiệp (chiếm 89,3%, tăng 37,1% so với cùng kỳ năm 2021)

- Số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 36.330 doanh nghiệp, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2021. Các doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng với 31.995 doanh nghiệp (chiếm 88,1%, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2021).

- Số doanh nghiệp giải thể trong 9 tháng đầu năm 2022 là 13.824 doanh nghiệp, tăng 8,0% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 12/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ 2021. Phần lớn doanh nghiệp giải thể trong 9 tháng đầu năm 2022 có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm) với 9.391 doanh nghiệp (chiếm 67,9%) và tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 12.062 doanh nghiệp (chiếm 87,3%, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2021).

II. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 9/2022

1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường

Tháng 9/2022 có 11.466 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 136.029 tỷ đồng, tăng 194,1% về số doanh nghiệp và tăng 117,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021.

Trong tháng 9/2022, cả 06 vùng trên cả nước có số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, 02 vùng có mức tăng cao nhất là Đông Nam Bộ (4.746 doanh nghiệp, tăng 531,1%) và Đồng bằng Sông Cửu Long (881 doanh nghiệp, tăng 386,7%).

Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 9/2022 là 61.927 người, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 9 năm 2022 ghi nhận có 5.118 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 54,3% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 9 cao nhất từ trước đến nay.

2. Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Trong tháng 9/2022, cả nước có 8.638 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 61,3% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có:

- 2.935 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 31,0% so với cùng kỳ năm 2021;

- 4.187 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 66,9% so với cùng kỳ năm 2021;

- 1.516 doanh nghiệp đã giải thể tăng 150,2% so với cùng kỳ năm 2021.

III. Đánh giá chung về tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2022

(i) Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 9 tháng đầu năm 2022 tiếp tục đạt cột mốc mới (vượt qua mốc 160 nghìn doanh nghiệp và vượt xa số 117.830 doanh nghiệp của cùng kỳ năm ngoái), gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường và gấp 1,3 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 9 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2021. Chỉ tính riêng con số doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng 2022 cũng cao hơn tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

(ii) Tháng 9/2022 có 11.466 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 194,1% so với cùng kỳ năm 2021. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong Quý III/2022 là 36.558 doanh nghiệp, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021.

 Nguyên nhân chính khiến số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh trong tháng 9 và Quý III/2022 so với cùng kỳ năm ngoái là do tháng 9 và Quý III/2021 là giai đoạn dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp. Các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội được thực hiện mạnh mẽ tại các tỉnh, thành phố, trung tâm kinh tế lớn, tập trung nhiều doanh nghiệp của cả nước như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai,… đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình doanh nghiệp gia nhập thị trường.

(iii) Tháng 9/2022 ghi nhận tỷ lệ tăng cao số doanh nghiệp đã giải thể so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 150,2%) và số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 66,9%). Có thể lý giải thực tế này như sau:

Trong tháng 9/2022 có 4.187 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 1.516 doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại. Đối chiếu với số liệu của 8 tháng đầu năm 2022, thì trung bình một tháng trong giai đoạn này có khoảng 4.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chờ làm thủ tục giải thể và khoảng 1.500 doanh nghiệp đã giải thể. Như vậy, các con số về doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và đã giải thể của tháng 9/2022 phù hợp với bức tranh chung của 8 tháng đầu năm 2022, không có biến động bất thường.

Do vậy, có thể nhận định, tỷ lệ tăng cao số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại trong tháng 9/2022 so với cùng kỳ 2021[2] là do số liệu kỳ so sánh chưa phản ánh đúng thực tế bức tranh doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước khi tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động./.   

 

Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh

 

 

[1] Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong các năm 2017; 2018; 2019; 2020 và 2021 lần lượt là 26.448; 34.010; 39.421; 44.096 và 43.116

[2] Trong tháng 9/2021, cả nước có 5.355 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, giảm 41,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó có: 2.240 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, giảm 31,5% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 41,8% số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; 2.509 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, giảm 38,8% so với cùng kỳ năm 2020; 606 doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại, giảm 65,1% so với cùng kỳ năm 2020. Số liệu này có thể chưa phản ánh đúng thực tế số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường do nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, các doanh nghiệp mặc dù đã ngừng hoạt động nhưng không thể thực hiện các thủ tục liên quan đến việc rút lui khỏi thị trường như: không họp được hội đồng thành viên, không ký được các giấy tờ, không xử lý được các vấn đề về thủ tục thuế, thanh lý tài sản,... và nhiều doanh nghiệp chỉ ngừng rất ngắn hạn khi thực hiện giãn cách xã hội (1 - 2 tháng) nên không làm thủ tục tạm ngừng kinh doanh.