Kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực

(MPI) - Kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 của nước ta khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý III/2022 tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt so với cùng kỳ năm trước (khi nhiều địa phương trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh, nhất là tại các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam). Nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra.

Trên đây là thông tin tại Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2022 được Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố tại Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2022 diễn ra ngày 29/9/2022. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng chủ trì cuộc họp báo.

Bà Nguyễn Thị Hương trình bày Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IIIvà 9 tháng đầu năm 2022. Ảnh: MPI

GDP 9 tháng năm 2022 tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022

Theo Báo cáo, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2022 ước tính tăng khá cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước. GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022, các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế 9 tháng năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99% (đóng góp 4,04%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44% (đóng góp 41,79%), trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2011, 2017 và 2018; khu vực dịch vụ tăng 10,57% (đóng góp 54,17%), trong đó một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao như: Bán buôn, bán lẻ tăng 10,24% so với cùng kỳ năm trước; vận tải kho bãi tăng 14,2%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 41,7%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,05%.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2022 vẫn duy trì tăng trưởng ổn định mặc dù chịu ảnh hưởng bởi thời tiết diễn biến thất thường từ đầu quý II/2022 và giá vật tư đầu vào tăng cao. Sản lượng một số cây lâu năm trọng điểm tăng so với cùng kỳ năm trước; chăn nuôi phát triển ổn định; hoạt động khai thác gỗ triển khai tích cực. Nuôi trồng thủy sản phát triển khá do nhu cầu và giá xuất khẩu các sản phẩm thủy sản trọng điểm như cá tra, tôm nuôi tăng; tuy nhiên khai thác thủy sản biển gặp nhiều khó khăn do giá nhiên liệu ở mức cao.

Sản xuất công nghiệp quý III/2022 tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 12,12% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 9,63% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,69%.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động 9 tháng năm 2022 đạt 163,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng năm nay là 3.908,2 nghìn tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 112,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,8% so với 9 tháng năm 2021. Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV/2022 với 82,6% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý III/2022.

Hoạt động thương mại, vận tải, du lịch tiếp tục phục hồi tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hành khách gấp 3,9 lần và luân chuyển hành khách gấp 5,7 lần so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hóa tăng 52,6% về vận chuyển và tăng 60,4% về luân chuyển. Khách quốc tế đến nước ta 9 tháng năm 2022 đạt 1.872,9 nghìn lượt người, gấp 16,4 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 85,4% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa có dịch Covid-19.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 9 tháng năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 2.130,3 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng này phản ánh đà phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/9/2022 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 18,75 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2022 ước tính đạt 15,43 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 9 tháng năm 2022 có 80 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 347,4 triệu USD, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13%. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD.

CPI bình quân quý III/2022 tăng 3,32% so với quý III/2021. Bình quân 9 tháng năm nay, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,88%. Chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu quý III và 9 tháng năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Hình ảnh tại Họp báo. Ảnh: MPI

Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra

Bên cạnh những kết quả đạt được, bước sang quý IV, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, giá hàng hóa thiết yếu tăng cao, lạm phát cao trên toàn cầu. Dịch Covid-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng với các biến thể mới có nguy cơ gia tăng trên thế giới. Do đó các ngành, các cấp tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tập trung thực hiện “4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không”, nỗ lực phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2022, tạo đà cho năm 2023.

Đồng thời, tập trung một số nội dung trọng tâm như tiếp tục thực hiện nhất quán phương châm “Sống chung an toàn với dịch Covid-19”; thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm; quyết liệt triển khai nhanh, hiệu quả nhiệm vụ, dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022-2023, tập trung vào các lĩnh vực cấp bách và có khả năng hấp thụ tốt, dự án có tính liên vùng, chương trình hỗ trợ, trợ cấp cho người lao động; khơi thông các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm thực hiện, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế; đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai quy hoạch, tăng cường liên kết vùng để tạo sự đồng bộ, không gian mới và động lực mới cho sự phát triển của các vùng kinh tế - xã hội cũng như các địa phương trong vùng.

Cùng với đó, chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ kết hợp với chính sách tài khóa, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát vừa hỗ trợ doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế; đẩy mạnh sản xuất trong nước, nhất là các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào để hạn chế nhập khẩu và chủ động nguồn cung; nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư